- Banner được lưu thành công.
- Tên gọi: Lễ hội trỉa lúa (lấp lỗ) của đồng bào Bru - Vân Kiều
- Loại hình di sản: Lễ hội truyền thống
- Địa điểm phân bố di sản: Xã Trường Sơn
- Chủ thể di sản: Dân tộc Bru - Vân Kiều
- Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 03/02/2021.
Từ thành phố Đồng Hới, đi theo đường tỉnh lộ số 563, đến gặp ngã ba đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, rẽ về phía Nam khoảng 60 km là đến xã Trường Sơn. Con đường đến với xã Trường Sơn quanh co uốn lượn, thấp thoáng giữa núi rừng là những ngôi nhà sàn truyền thống có nét kiến trúc đặc trưng của dân tộc Bru - Vân Kiều.
Đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống ở xã Trường Sơn, thuộc huyện Quảng Ninh, là một xã biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình. Trước đây, với địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Từ khi có đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua, giao thông được kết nối, hàng hóa được lưu thông, cuộc sống của đồng bào nơi đây cũng dần thay đổi, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội có nhiều nét khởi sắc.
Đồng bào Bru - Vân Kiều có một hệ thống lễ hội và nghi lễ phong phú, trải khắp vòng đời người cũng như chu kỳ canh tác, phản ánh nhiều nét đẹp mang giá trị bản sắc văn hóa tộc người. Trong đó, tiêu biểu và vẫn được duy trì cho đến hiện nay là lễ hội Trỉa lúa, được tổ chức trong mỗi mùa vụ, trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi ra trỉa xuống đất, với ý nghĩa cầu mong thần Lúa, thần Trời, thần Nước, thần Rừng, thần Núi,… giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở, chắc hạt, nặng bông để đồng bào có ngày thu hoạch bội thu.
Trong chu kỳ canh tác, lễ hội Trỉa lúa được đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn tổ chức hàng năm, vào ngày 12 tháng 7 âm lịch, gồm có 02 phần lễ và phần hội. Trong đó, lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở bản Khe Cát tổ chức là quy mô nhất, với nhiều giá trị văn hóa truyền thống còn được bảo tồn, lưu giữ.
Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều bản Khe Cát thường được tổ chức dưới chân núi Chồng, nơi có nhiều cây cổ thụ và có bãi đất bằng phẳng, bên cạnh bờ suối. Đồng bào cho rằng, hòn núi Chồng là nơi có nhiều thần linh về ở, ở trên đỉnh có 3 ngọn chọc cao như 3 ngọn mâu, canh giữ cho dân bản được bình yên. Trong lễ hội, khám thờ được đặt tựa lưng vào núi Chồng, mặt hướng qua núi Khe Cát, mà dân bản nơi đây thường hay gọi là núi Vợ.
Nghi lễ Trỉa lúa được bắt đầu với nghi thức hiến sinh lễ vật là một con lợn (có thể bằng bò, dê, lợn... nhưng chủ yếu dân bản hằng năm đều hiến sinh bằng lợn). Khoảng 7h30 phút sáng, lễ hội bắt đầu. Hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn trắng tuyền đặt xuống cạnh khe nước chảy. Nghi lễ tế sống (hiến sinh) lợn được tiến hành trước tiên. Khi Già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con lợn (đang nằm yên ở trên mặt đất, cạnh bờ suối), già làng bước vào giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly thủy tinh nâng lên rót đầy rượu và cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe. Lời khấn với đại ý là: Hôm nay, dân bản ta làm lễ trỉa lúa, dân bản xin được dâng một con lợn cho thần lúa, thần trời, thần nước, thần đất, thần núi,… mong các vị thần nhận lễ cho, để dân bản cùng về đây vui hội xuống rẫy. Khấn xong, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu và thân lợn. Sau đó, già làng rót rượu vào trong ly đó và chuyền vòng từ trái sang phải, đến từng người dân bản, để mọi người cùng uống rượu và hưởng lễ. Mọi người sau khi uống xong ly rượu, chấp tay hướng về con lợn vái, với ý nghĩa là cảm ơn đã thay họ hiến tế cho các vị thần.
Khi rượu đã uống hết vòng, các thanh niên xóc đòn đưa lợn lên cao, dùng cây dao nứa sắc chọc tiết, chảy vào một chiếc thau lớn. Sau đó tiến hành cạo lông và mổ thịt. Lúc này, các bếp lửa đã được chuẩn bị sẵn để nấu các món lễ dâng cúng lên các vị thần linh. Khi các món lễ đã được nấu chín, các thanh niên giúp xếp vào mâm, và đặt lên hai tầng của khám thờ.
Tầng cao của khám thờ là nơi thờ thần Lúa, thần Trời, thần Nước; tầng thấp thờ thần Đất, thần Núi. Trên hai khám thờ không có lư hương, chỉ thắp hai ngọn nến bằng sáp ong dát mỏng cuộn vào giấy bản. Hai chiếc gươm được đẽo bằng gỗ, một dài, một ngắn cắm hai bên khám thờ tạo nên vẻ oai linh. Một vò rượu cần màu da lươn đặt ở dưới đất, trước khám thờ, năm chiếc cần được cắm vào võ rượu, hướng về năm phía như biểu tượng của các vía vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Cách khám thờ không xa là các cây gậy chọc lỗ, được vót nhọn một đầu và một số gùi bên trong đựng các hạt giống lúa, để khi các vị thần linh cho phép, dân làng sẽ thực hiện nghi thức trỉa lúa.
Khi các lễ vật, vật dụng đã được sắp đặt hoàn tất, già làng bắt đầu tổ chức nghi thức cầu khấn các vị thần linh. Lúc này, dân bản tập trung đứng phía sau già làng, cùng hướng về khám thờ. Bốn vị già làng khác cùng với già làng chủ lễ nghiêm cẩn trước khám thờ và cất lời khấn. Lời khấn đại ý rằng: Xin các thần linh về dự lễ. Mâm cỗ đã bày sẵn. Đứng trước lễ xin các thần ban cho dân bản mọi sự may mắn. Tốt hay không tốt xin thần báo già làng này biết trước.
Sau khi khấn xong, vị già làng chủ lễ thực hiện nghi thức xin keo bằng hai thanh nứa mỏng, màu nâu, bản rộng, mỗi bề bằng chừng một đốt tay. Vị chủ lễ cầm hai thanh nứa nâng lên, nhắm nghiền mắt và khấn, rồi thả hai thanh nứa vào một cái đĩa, trong đĩa đã có đặt sẵn một lá trầu không. Nếu một thanh ngửa một thanh sấp là tốt, thần linh đồng ý, vị chủ lễ lui lại, cùng bốn vị già làng chắp tay vái liên tục trước khám thờ. Dân bản lúc này cùng chắp tay vái mỗi người ba vái. Sau đó, chủ lễ bưng gạo muối tung ra tứ phía rừng, trong khi đó, dân bản vẫn tiếp tục khấn các vị thần, nội dung lời khấn đại ý là: Xin các thần phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.
Sau khi khấn xong, một số dân bản, vai đeo gùi (aria), tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng chủ lễ cầm một nia (a doong), trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhẩy như người sẩy thóc, vừa tiếp tục lẩm bẩm khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt. Dân bản theo sau, vừa khấn, vừa thực hiện nghi thức chọc lỗ, gieo hạt. Nghi thức này được thực hiện nhiều lần, trong chừng mười phút và sau đó kết thúc.
Sau phần lễ, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ, vừa ăn uống vừa trò chuyện với nhau rất vui vẻ.
Tiếp đến là phần hội, với nhiều trò chơi dân gian. Đến nay, đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn vẫn còn lưu giữ được một số trò chơi truyền thống như chơi xà hùa, chi cà dạ, bóng má, cháy xà rì,… thu hút người già, thanh niên cùng tham gia.
- Chơi Xà hùa: Có cách chơi giống trò ném mạng của người miền xuôi, nhưng mạng ở đây là những viên sỏi chọn ở dưới khe suối. Mạng thì mỏng nhưng Xà hùa là những viên sỏi to bằng nắm tay, dài gần gang tay người lớn. Người chơi được chia làm hai phe có số lượng bằng nhau. Phe này trồng Xà hùa xuống đất, thì phe kia đứng nơi phía xa quy định ném Xà hùa mình đến để lật đổ Xà hùa đối phương. Khi ném, người chơi không được dùng nắm tay mà chỉ dùng cùi tay, dùng bàn chân sấp, dùng đầu gối, cao thủ hơn là dùng một bên má hoặc bên vai đặt Xà hùa lên để lắc gạt Xà hùa đúng hướng. Bởi thế, đánh trúng cho Xà hùa đối phương đổ là không dễ dàng. Trò chơi lần lượt, cho đến khi phe nào làm đổ hết Xà hùa phe kia là thắng. Phe thua phải cõng phe thắng chạy một vòng quanh sân trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem.
- Chơi Chi cà dạ: Mọi người tham gia chơi Chi cà dạ kết thành một hàng dài. Người sau nắm chặt khăn vấn lưng người trước. Người đi trước kéo đoàn đi ngoằn ngoèo. Phía sau có một người tách đoàn. Người đó có công việc rượt đuổi bắt người đi đầu. Cả đoàn phải ra sức bảo vệ người đầu đoàn của mình. Nếu khi bị rượt đuổi mà đoàn bị đứt đoạn nào thì việc bảo vệ người cái bị thua. Bởi thế, người nào cũng phải quyết tâm giữ vị trí để không bị người đuổi sau đột phá bất ngờ. Cũng có khi, đoàn lừa quấn được người sau lại thật chặt không có lối thoát là thắng cuộc chơi.
- Chơi Bóng má: Chơi Bóng má giống như trò chơi ném còn, nhưng khác với ném còn là tung lên trời lọt qua vòng trên cao, ném Bóng má phải vào trúng đối phương. Bóng má là một quả như quả bưởi nhỏ được quấn tròn bằng vải mềm. Khi quấn bóng, sao cho quả bóng có đuôi nắm, để người chơi cầm ném vào phe đối phương. Nếu đối phương không tránh được, để bóng trung người là “chết” và bị loại cuộc chơi. Phe đối phương nào có quân “chết” hết trước là thua cuộc. Cách chơi này cũng gần giống trò chơi đánh đốm ở miền xuôi. Đốm miền xuôi được kết bằng cây mạ, khi chơi cũng chia hai phe trên ruộng bắc mạ để tìm cách ném “chết” nhau.
- Chơi Cháy xà rì: Khi chơi Cháy xà rì, tất cả đứng kết chặt tay nhau thành một vòng rộng. Một người nhanh nhẹn, khỏe mạnh đứng giữa quan sát, thấy nơi chỗ nào yếu thì đột phá để thoát ra ngoài vòng là thắng cuộc. Hai người đứng cạnh nhau chỗ bị phá đứt tay nắm phải bỏ cuộc chơi.
Ngoài các trò chơi dân gian trên, trong phần hội còn có các hoạt động diễn xướng văn nghệ dân gian. Bên bờ suối, một đôi trai gái hát giao duyên (hát sim) cho mọi người thưởng thức. Lời hát có ý như sau:
Người con trai:
“Chim nhớ cây nên chim không hót
Anh xa em nên sáo thổi không kêu
Suối sáng nay sao em không đến soi mặt
Anh như con cá lượn lờ bên suối mãi đợi gặp em”.
Người con gái:
“Ngủ trên nhà sàn em luôn nằm sấp
Để nhìn trộm chân anh rón rén bên hè
Thấy anh bước nhẹ lên thang tim em như ngừng đập
Em nhẹ nhàng lần đến vén liếp gọi thầm chỉ để anh nghe”.
Những câu hát giao duyên, những trò chơi dân gian được dân bản tham gia rất nhiệt tình, làm cho không khí lễ hội càng thêm sôi nổi. Phần hội kết thúc khi đã gần trưa và cũng là lúc lễ hội kết thúc.
Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn diễn ra trong một không gian khoáng đạt của rừng núi đại ngàn trên dãy Trường Sơn. Không gian của lễ hội là một không gian mở, đa dạng, từ một thung lũng ở bản Khe Cát, bản Đá Chát,… đến những dòng suối, con đường, bản xa,… với sự tham gia của mọi người.
Lễ hội Trỉa lúa không chỉ thể hiện khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, mà còn là cơ hội để đồng bào tăng cường sự đoàn kết, chung tay xây dựng bản làng giàu đẹp.
Lễ hội Trỉa lúa thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, với các biểu hiện văn hóa truyền thống cũng như như tập quán xã hội, tín ngưỡng và diễn xướng dân gian,... Lễ hội thể hiện ý chí và tinh thần đoàn kết, cầu mong cuộc sống yên lành và sự trường tồn của tộc người. Người tham dự được hòa mình vào những lễ nghi, được vui chơi một cách hồn nhiên trong hơi ấm cộng đồng. Hiện nay, lễ hội được cộng đồng cũng như các cấp chính quyền quan tâm, đã và đang chung tay bảo tồn, phát huy giá trị.
Hiện nay, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn còn đang gặp rất nhiều khó khăn, đã tác động đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống. Một số lễ hội đang đứng trước nguy cơ mai một, do sự xâm nhập của nền văn hóa hiện đại làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ. Đặc biệt là thế hệ trẻ, sự chuyển biến này cũng bộc lộ nhiều mặt trái, ảnh hưởng tiêu cực đến sắc thái văn hóa một tộc người. Vì thế bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn là một việc làm cần thiết, để góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội Trỉa lúa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đ/c Hà Quốc Phong - PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình trao bằng Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Một nghi thức cúng tế thần linh trong lễ Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Ảnh: Quang Lê)
Uống rượu lễ trong lễ cúng Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Ảnh: Quang Lê)
Nghi thức chọc lỗ - tra hạt - lấp lỗ trong lễ cúng Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Ảnh: Quang Lê)
Trò chơi Xà hùa sau lễ cúng Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Ảnh: Quang Lê)