- Banner được lưu thành công.
- Tên gọi: Khu vực sở chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh 559
- Loại hình: Di tích lịch sử cách mạng
- Địa điểm: xã Hiền Ninh
- Sự kiện/nhân vật: Đoàn 559
- Thời gian: giai đoạn 1971-1973
- Cụm di tích: Nhà khách, hội trường, nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn và họ Trương
- Giá trị tiêu biểu: Trong năm 1972 - 1973, đây là nơi chỉ huy mặt trận vận tải trên đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, chi viện chiến trường miền Nam; chỉ huy các chiến dịch lớn góp phần giải phóng miền Nam; nơi đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều đoàn khách quốc tế
- Công nhận di tích lịch sử ngày 12/12/1986; xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013.
Cụm di tích Sở chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh 559[1] nằm trong tổng thể khu di tích đường Trường Sơn. Cụm di tích thuộc thôn Cổ Hiền, nay là thôn Tây Cổ Hiền và Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, cách bến đò Cổ Hiền - Long Đại khoảng 1km, cách bến phà Long Đại về phía Đông Nam khoảng 3km. Từ cầu Long Đại, đi theo đường 15 về phía Nam khoảng 1 km, rẽ trái đi khoảng 2 km là đến khu di tích Bộ Tư lệnh 559. Đi bằng đường thủy, dọc theo sông Long Đại, đến bến đò Cổ Hiền - Long Đại, đi bộ theo đường dọc lũy Trường Dục khoảng 300m, đến chợ Cổ Hiền rẽ trái là dẫn vào khu di tích; hoặc theo sông Kiến Giang đến bến đò Trung Quán - Cổ Hiền là đến di tích.
Cụm di tích Sở chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh 559 gồm các di tích: Nhà khách, hội trường, nơi làm việc của Tư lệnh Bộ Tư lệnh (nhà thờ họ Nguyễn), nơi cất giữ tài liệu của Bộ Tư lệnh (nhà thờ họ Lê) và nơi đặt trạm thông tin tải ba Bộ Tư lệnh (nhà thờ họ Trương).
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khó khăn và ác liệt, đầu năm 1972, Bộ Tư lệnh 559 chuyển từ khu vực “R” Minh Hóa về đóng trụ sở tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Việc chuyển Sở chỉ huy từ miền núi về đồng bằng nhằm chỉ huy trực tiếp, nhanh chóng các lực lượng binh chủng hợp thành thuộc Đoàn 559, kịp thời triển khai các nhiệm vụ, các chiến dịch trước tình hình và thời cơ mới. Đoàn 559 chọn xã Hiền Ninh làm nơi đặt đại bản doanh, bởi đây là khu vực ngã ba sông với các bến đò Long Đại - Cổ Hiền, Trung Quán, thuận lợi về giao thông, liên lạc, là nơi tập kết vũ khí, lương thực, thực phẩm để vận chuyển nhằm chi viện kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ.
Để phục vụ hội họp, hội nghị, tập huấn và tiếp khách, Bộ Tư lệnh 559 chỉ đạo Trung đoàn 99 thuộc Bộ đội Trường Sơn phối hợp cùng nhân dân Hiền Ninh xây dựng hội trường ba gian theo kiến trúc truyền thống, bằng các vật liệu từ địa phương, mái lợp bằng lá cọ và trưng dụng văn phòng trường cấp 3 Quảng Ninh làm nhà khách. Đồng thời, tiến hành cải tạo nâng cấp con đường vào khu vực Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 đoạn nối từ đường 15A qua xã Xuân Ninh về Hiền Ninh. Để đảm bảo an toàn và bí mật, Bộ Tư lệnh đã chọn nhà thờ họ Nguyễn là nơi ở và làm việc của đồng chí Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, chọn nhà thờ họ Lê làm nơi cất giữ tài liệu, nhà thờ họ Trương đặt trạm thông tin liên lạc.
Di tích hội trường Bộ Tư lệnh 559
Di tích hội trường Bộ Tư lệnh 559 là nơi tổ chức hội nghị, các buổi sinh hoạt chính trị của các đơn vị và đại biểu các binh chủng thuộc Đoàn 559. Tại đây, đã nhiều lần vinh dự đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm và làm việc như đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Hoàng Văn Thái, đồng chí Tố Hữu,… Tại đây, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thăm hỏi, động viên và giao nhiệm cho cán bộ và chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh 559.
Đặc biệt, hội trường Bộ Tư lệnh 559 là nơi Đảng ủy Bộ Tư lệnh tổ chức hội nghị quân chính, thống nhất tư tưởng, hành động, động viện, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tại hội trường, ngày 7/3/1973, Bộ Tư lệnh đã tổ chức đại hội mừng công, vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Di tích nhà khách Bộ Tư lệnh 559
Di tích nhà khách Bộ Tư lệnh 559 được xây dựng cùng với hội trường, làm nơi tiếp khách và tổ chức các hoạt động khác của Bộ Tư lệnh. Nhà khách là nơi Bộ Tư lệnh tổ chức lễ truy điệu đồng chí Đặng Tính - Chính ủy, đồng chí Nguyễn Bình - Phó Chính ủy Đoàn 559, hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở chiến trường. Đặc biệt, tháng 3/1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận lệnh Chính phủ, Bộ Quốc phòng, vinh dự đón tiếp Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanuc cùng Hoàng hậu từ Trung Quốc sang Hà Nội về đây để vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia. Tại nhà khách, Bộ Tư lệnh 559 đã tổ chức đón đưa Quốc trưởng và Hoàng hậu theo thể thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia, bảo đảm an toàn, chu đáo trong những ngày lưu lại ở chặng đường trước khi về Campuchia.
Di tích nhà thờ họ Nguyễn
Di tích nhà thờ họ Nguyễn cách nhà khách khoảng 500m, là trụ sở làm việc của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559, từ tháng 11/1972 - 1973.
Nhà thờ tọa lạc phía Đông Bắc làng Cổ Hiền, nằm giữa xóm Ôốc, gần bến đò Trung Quán - Cổ Hiền, trước mặt là cánh đồng Hà. Nhà thờ xây theo kiến trúc truyền thống thời Nguyễn, mái lợp ngói liệt (nay lợp bằng ngói Hạ Long), tường xây gạch, cột vuông, cuốn vòm, vì kèo, đòn tay, rui, mèn làm bằng gỗ. Xung quanh có tường rào bảo vệ, lối vào qua cổng tam quan uốn vòm, cao 2 tầng, trên nóc mái có trang trí “Giao long triều nguyệt”. Kiến trúc chính điện gồm 3 gian, trên nóc trang trí “Lưỡng long tranh châu”. Hai bên tả hữu hạ thứ thông với lầu chuông trống, lợp ngói liệt. Trong nội điện, các bàn thờ có lư hương và lễ bộ thờ tự, phía trước bàn thờ treo các câu đối.
Di tích nhà thờ họ Trương
Di tích nhà thờ họ Trương cách nhà thờ họ Nguyễn khoảng 300m, là địa điểm đặt trạm thông tin tải ba của Bộ Tư lệnh 559. Dấu tích bom, đạn chiến tranh vẫn còn lưu lại trên các bức tường của nhà thờ.
Nhà thờ họ Trương tọa lạc về phía Đông Bắc làng Cổ Hiền, trước mặt là cánh đồng Hà Trước, sau lưng là cánh đồng Hà Sau, cách bên trái một quãng là mộ vị tổ họ Trương. Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc truyền thống thời Nguyễn. Trong nội điện thờ, có treo các câu đối ghi nhớ công ơn tổ tiên khai lập.
Di tích nhà thờ họ Lê
Di tích nhà thờ họ Lê là nơi cất giữ các tài liệu quan trọng của Bộ Tư lệnh trong thời gian đặt trụ sở chỉ huy tại xã Hiền Ninh, về những trận đánh trong năm 1972 - 1973, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975.
Di tích nhà thờ họ Lê tọa lạc phía Tây Nam làng Cổ Hiền, bao quanh phí trước là đồng ruộng, phía sau là khu dân cư. Nhà thờ cấu trúc ba gian giống những ngôi đình làng truyền thống, mỗi gian rộng 2,50m, chiều sâu 5m, hệ thống cột kèo, xuyên trến làm bằng gỗ lim, tường xây bằng đá, mái lợp ngói liệt (sau thay ngói móc); trên nóc có nghê đắp nổi chầu hầu, đường mái trang trí “Lưỡng long triều nguyệt”; hai bên hạ thứ có 2 cột nanh hình trụ mặt vuông, có câu đối khảm sành sứ,… Trong khuôn viên có 9 ngôi mộ của các vị hậu khai canhđối diện là phần mộ 9 bà.
Trong nội thất thờ cúng, gian giữa thờ tượng ngài Tiền khai khẩn, hai bên đắp hai con hạc chầu bằng những mảnh sành tinh xảo, trước có hương án đặt bát hương lớn; trên bàn thờ có 2 con hạc gỗ lớn đứng trên lưng rùa; gian bên phải thờ 9 vị của tổ 9 phái, con của vị thủy tổ; gian bên trái thờ 9 vị phu nhân của 9 vị đầu phái. Phía trên ba gian thờ treo ba bức hoành phi, viết đại tự. Bức hoành phi gian bên trái có hai chữ “Yến Dực”, gian bên phải không còn. Bức hoành phi gian giữa có 4 chữ “Kinh Triệu Lưu Phong”. Bên cạnh ngai vàng có tấm biển đề 4 chữa “Ân Tứ Vinh Quy”, tương truyền do vua ban cho ông Lê Hữu Đệ, đỗ Tiến sĩ về làng. Ngoài ra, có hai câu đối của họ Lê quê gốc làng Cổ Trai (Hải Dương) đưa tặng.
Sau năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Tư lệnh 559 chuyển đến địa điểm mới, giao lại toàn bộ khu hội trường và nhà khách Bộ Tư lệnh 559 cho chính quyền xã Hiền Ninh, trả lại nhà thờ cho các dòng họ Nguyễn, Lê và Trương để con cháu chăm sóc và thờ tự. Nhà khách Bộ Tư lệnh 559 hiện nay nằm trong khuôn viên trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh.
Nhằm mục đích lưu giữ để tuyên truyền và giáo dục về những chiến công hiển hách, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường và thông minh của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh 559, của quân dân xã Hiền Ninh, ngày 22/4/1992, Bộ Văn hóa ra Quyết định số 446, phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật bước một về tu bổ, tôn tạo hội trường, nhà khách và phòng truyền thống.
Phòng truyền thống sau khi tôn tạo đã thực hiện trưng bày các kỷ vật về Bộ Tư lệnh 559 gắn với thời kỳ đóng tại xã Hiền Ninh. Mỗi kỷ vật là một chiến công, kỳ tích, là bằng chứng về tình quân dân bền chặt trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở xã Hiền Ninh. Những kỷ vật này đều do nhân dân và chính quyền xã Hiền Ninh tự sưu tầm và tổ chức trưng bày.
Cụm di tích Sở Chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh 559 là một cụm di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, là nơi tập trung những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong những năm tháng Bộ Tư lệnh 559 đóng tại Hiền Ninh, phục vụ cho những trận đánh lớn 1972 - 1973 và chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Hơn thế, đây là nơi minh chứng cho tình cảm gắn kết giữa nhân dân Hiền Ninh với các cán bộ, chiến sĩ, bộ đội Trường Sơn, đùm bọc, sẻ chia những gian khổ, thiếu thốn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Hiện nay, di tích hội trường và phòng truyền thống trở thành một trung tâm sinh hoạt lịch sử - văn hóa của địa phương, một địa chỉ đỏ để giáo dục cho thế hệ trẻ về một thời hào hùng của quê hương Quảng Ninh với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu”.
Ngày 12/12/1986, di tích Sở Chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh 559 được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 236/VH-QĐ, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.
Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng cụm di tích Sở Chỉ huy cơ bản Bộ Tư lệnh559 là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm bộ đội Trường Sơn, năm 1973 (Ảnh: Tư liệu)
Nhân dân xã Hiền Ninh chào đón Tổng Bí thư Lê Duẫn về thăm, năm 1973 (Ảnh: Tư liệu)
Di tích nhà khách Bộ Tư lệnh 559 (Ảnh: Đình Hướng)
Di tích nhà thờ họ Nguyễn (Ảnh: Đình Hướng)
Di tích nhà thờ họ Trương (Ảnh: Đình Hướng)
Di tích nhà thờ họ Lê (Ảnh: Tư liệu)
[1] Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 15 mở rộng (khóa II) tại Hà Nội (1/1959), ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy phiên hiệu là Đoàn 559, mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam, biên chế ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sĩ, do Đại tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng.