• Tên gọi: Bến phà Long Đại
  • Loại hình: Di tích lịch sử cách mạng
  • Địa điểm: xã Hiền Ninh, xã Xuân Ninh
  • Sự kiện/nhân vật: Những trận đánh trong năm 1968, gắn với Trung đoàn 249, Đại đội C16 Binh trạm 16 đơn vị anh hùng (Lữ đoàn 683)
  • Giá trị tiêu biểu: “Yết hầu” trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại
  • Công nhận di tích lịch sử ngày 12/12/1986; xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013

Di tích lịch sử Bến phà Long Đại nằm ở Km 1004 + 810 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, thuộc địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (bờ Bắc) và thôn Xuân Dục xã Xuân Ninh (bờ Nam), huyện Quảng Ninh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bến phà Long Đại là địa bàn nằm trong vùng “cán xoong”[1] của Quân khu IV, trở thành điểm “yếu hầu”, “huyết mạch”, là cầu nối giao thông đặc biệt quan trọng trên tuyến đường 15, giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia.

Trước năm 1965, bến phà Long Đại do Ty Giao thông Vận tải Quảng Bình quản lý. Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, bến phà được giao cho Tỉnh đội Quảng Bình quản lý, để phục vụ giao thông vận tải thời chiến. Chiến tranh ngày càng ác liệt, yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng cao, tháng 8/1966, phà Long Đại được giao cho đơn vị Công binh C16, thuộc Binh trạm 16, Tổng cục Hậu cần Tiền phương quản lý.

Bến phà Long Đại là một trong những điểm vượt sông trọng yếu, ác liệt nhất trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Chính vì vậy, đế quốc Mỹ ngày đêm tập trung dội xuống nơi đây hàng trăm tấn bom đạn, hòng hủy diệt và “bóp nghẹt” nguồn lực từ hậu phương chi viện vào tiền tuyến. Bến phà Long Đại cùng với nhiều địa danh khác như: Mụ Dạ, Cổng Trời, Xuân Sơn, Phà Gianh, Quán Hàu... là những “túi bom”, “chảo lửa”.

Có những thời điểm, trong một đêm địch đánh phá Long Đại, Quán Hàu từ 10 đến 30 lần. Trên hai bến phà, địch rải đầy các loại bom. Trên sông, chúng rải thủy lôi dày đặc. Với quyết tâm thông phà, thông xe qua bến, Đại đội C16 phà Long Đại dùng phương tiện kỹ thuật phá bom từ trường, không ngại hy sinh, chiến sĩ lái ca nô chạy tốc độ cao lướt trên mặt nước kích cho bom nổ. Trong một lần trúng thủy lôi gần bờ, ca nô bị vỡ tan tành, chiến sĩ bị thương nặng.

Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương “phát động toàn dân, huy động mọi lực lượng, bằng các biện pháp, kiên quyết đảm bảo giao thông vận tải trong suốt mọi tình huống”, với khẩu hiệu “Đường, ngầm, sông, bến phà là trận địa”.

Lúc này, việc vận chuyển khó khăn nhất là phải vượt qua thủy lôi, từ trường, pháo sáng và bom tọa độ của không quân Mỹ tại khu vực “tam giác lửa” là “Quán Hàu - Trúc Ly - Long Đại”. Trước tình hình ấy, Trung đoàn 249[2] công binh đã tăng cường C1 công binh cùng C16 Binh trạm 16 bảo đảm giao thông tại trọng điểm phà Long Đại, Các tổ phá bom từ trường (TN), gồm những chiến sĩ vô cùng tháo vát, nhanh nhẹn, dũng cảm, không sợ hi sinh. Trên bến phà Long Đại, ca nô của hạ sĩ Nguyễn Xuân Toản đã phá 27 quả bom TN. Chiếc ca nô mang đầy thương tích ấy được đặt tên là “bất khuất”, sau này đã được đưa vào Bảo tàng Công Binh.

Các bến phà trong thời gian này là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của máy bay Mỹ. Để đảm bảo các xe đến bến phà “qua thật nhanh, tránh thật xa”, các cán bộ, chiến sĩ công binh C16 Binh trạm 16 và C1 chi viện của Trung đoàn 249 luôn bám trụ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, với cái chết mà không hề lùi bước. Đặc biệt, đêm 29/1/1968 (Mùng 1 Tết Mậu Thân), Trung đoàn 249 được lệnh triển khai cầu phao ở bến Long Đại khi địch tuyên bố ngừng ném bom, nhưng thực tế chúng không thực hiện mà vẫn ném bom các chiến sĩ công binh C1. Trung đoàn 249 đã sáng tạo, chuyển cầu phao thành phà, đảm bảo tiếp tục phục vụ vượt sông.

Tình hình ở chiến trường miền Nam đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn của miền Bắc. Nhận định tình hình, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá ở các bến phà với mức độ ngày càng ác liệt, nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào. Trong đó, điểm ác liệt nhất là bến phà Long Đại, bom đạn Mỹ rung chuyển cả ngày lẫn đêm. Cụ thể, trong tháng 3/1968, địch đã đánh 38 lần, ném xuống 112 quả bom; trong tháng 4/1968, địch đã đánh 60 lần, ném xuống 348 quả bom. Do vậy, nơi đây còn được gọi là bến “long đầu”, là “cửa tử”.

Trong những thời điểm đó, các cán bộ, chiến sỹ vẫn bám trụ địa bàn. Sau mỗi đợt địch ném bom, ta vừa tiến hành cứu người, vừa cứu hàng hóa, khí tài, cứ thế, người này ngã, người khác thay thế, tiếp tục làm nhiệm vụ để đảm “thông bến nối phà”, đảm bảo mạch máu giao thông. Bến phà Long Đại cùng với các bến Xuân Sơn, Phong Nha, Sông Gianh, Thác Cốc, bến Tiến,... là những nơi chứng kiến và ghi dấu những chiến công oanh liệt của Đại đội Công binh C16 Binh trạm 16 và C1 Công binh của Trung đoàn 249.

Ngày 01/11/1968, Tổng thống Giôn - Xơn tuyên bố chấm dứt các cuộc ném bom bắn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ở vào vị trí là địa bàn cầu nối chiến lược giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, tỉnh Quảng Bình cơ bản vẫn nằm trong trạng thái có chiến tranh. Đặc biệt, sau thất bại trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào, thực hiện “Cuộc chiến tranh bóp nghẹt”, đế quốc Mỹ đã tăng cường các hoạt động trinh sát, đánh vào hành lang Đông Trường Sơn, các điểm vượt khẩu, tuyến vận tải và trận địa phòng không ở Quảng Bình.

Với những đóng góp vào thắng lợi trong giai đoạn 1965-1969 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại đội Công binh C16 phà Long Đại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ngày 18/6/1969.

“Đại đội C16 làm nhiệm vụ trên bến phà Long Đại vẫn bảo đảm thông xe chi viện cho chiến trường. Vì bến phà là mạch máu lưu thông cho những đoàn xe ra trận, nên hàng ngàn tấn bom đạn đủ các loại của địch đã trút xuống đây, nhưng các chiến sĩ đã kiên cường bám sông, bám bến, hết lòng vì tiền tuyến, lập công tập thể, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, phục vụ tốt, phá bom giỏi, phòng tránh tốt, bảo đảm thông phà trong hoàn cảnh hết sức gay go, ác liệt để phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”[3].

Trong những tháng cuối năm 1970, Bến phà Long Đại là một trong những điểm vượt sông ác liệt nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh. Nơi đây, đế quốc Mỹ đã huy động cả lực lượng không quân và hải quân, dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn, không những nhiều về số lượng mà còn nhiều về chủng loại vũ khí hiện đại, tối tân, nguy hiểm đều được chúng thử nghiệm như bom tia laze, bom từ trường, thủy lôi,… gây nhiều tổn thất và thiệt hại cho lực lượng của ta.

Trước tình hình đó, để đảm bảo vận chuyển được liên tục, tránh những khi bị địch đánh phá, từ tháng 1/1971, ở khu vực Long Đại, ta chủ trương xây dựng thành hai bến phà là bến phà I (ở sát cầu Long Đại ngày nay) và bến phà II cách bến I khoảng 500m (ở hạ lưu sông Long Đại).

Tháng 6/1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom với quy mô và cường độ ngày càng tăng, tập trung vào khu vực Quảng Ninh, Lệ Thủy và Vĩnh Linh, nhằm phong tỏa các chốt trọng điểm ở Long Đại, Quán Hàu, Xuân Sơn, hòng chặn đứng tuyến chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Để khắc phục tình trạng đó, ta chủ trương mở thêm nhiều bến bãi, tăng phương tiện vận tải trên các bến vượt. Đồng thời, tiến hành mở thêm bến phà Long Đại - Đồng Tư.

Từ tháng 5 đến tháng 12/1972, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lên đến nấc thang cao nhất, mức độ khốc liệt, tàn bạo của kẻ thù lên tới đỉnh điểm. Cũng chính trong thời điểm thử thách quan trọng đó, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng dũng cảm vô song của cán bộ, chiến sỹ Đại đội Công binh C16 bến phà Long Đại phát huy hơn bao giờ hết. Các lực lượng làm nhiệm vụ ở bến phà Long Đại đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với quân dân địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phá thế phong tỏa của kẻ thù, đảm bảo lưu thông tuyến đường chi viện, với quyết tâm “tất cả vì chiến trường miền Nam ruột thịt”.

Đầu Xuân Quý Sửu năm 1973, đồng chí Lê Duẩn, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta lúc đó vào thăm và chúc tết bộ đội Trường Sơn. Sáng mồng 2 tết, trước khi trở ra Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn đã được đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và đồng chí Đặng Tính đưa đến thăm cầu phao Long Đại do công binh Trường Sơn thi công dùng cho 2 làn xe. Đoàn đến đúng lúc một đơn vị vận tải đang dàn đội hình để qua cầu, lễ xuất quân đầu xuân qua phà Long Đại diễn ra thật ấn tượng.

Sau Hiệp định Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973, bến phà Long Đại tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tuyến giao thông thông suốt, góp phần xứng đáng trên tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam đến ngày thắng lợi cuối cùng. Năm 1973, Đại đội C16 được tặng thưởng Huân chương chiến công.

Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại (1965 - 1973), đến năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với sứ mệnh đảm bảo tuyến giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam, Bến phà Long Đại đã thực hiện hàng chục ngàn chuyến phà, vận chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng hóa, hàng chục vạn lượt bộ đội, thanh niên xung phong và vũ khí trang bị, xe pháo, tên lửa,… vượt sông vào các mặt trận. Đặc biệt, đã chuyển một lượng vật chất và binh lực kịp thời phục vụ cho chiến dịch Đường 9 trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào Xuân 1971, chiến dịch tiến công mùa xuân 1972 trên chiến trường miền Nam và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Khi cầu Long Đại được xây dựng, nối đôi bờ sông Long Đại, cũng là lúc Bến phà Long Đại kết thúc nhiệm vụ và vai trò lịch sử của mình.

“Nhìn nhịp cầu đường sắt Thống Nhất bắc qua sông Long Đại với chiều dài 178m, dài nhất Đông Nam Á những năm 70 của thế kỷ XX và cầu Long Đại Đông Trường Sơn chạy song hành với nhau như rồng lớn vượt sông, những người trải qua một thời bom đạn nơi đây và đồng bào huyện Quảng Ninh không khỏi bồi hồi nhớ lại những năm tháng chống Mỹ, cứu nước đã hằn sâu dấu tích”[4].

Hôm nay, trên Bến phà Long Đại năm xưa, một công trình đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn đã được xây dựng, để tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói chung, tại Bến phà Long Đại nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đền tưởng niệm là nơi các cán bộ, chiến sỹ đã từng sống, chiến đấu, bảo vệ bến phà, khi trở lại thăm chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội. Trong mỗi người dân, khi đến đây thắp nén hương tưởng niệm, đều tự hào sâu sắc về những năm tháng hào hùng của các thế hệ cha anh, đã chiến đấu anh dũng vì nền độc lập, tự do dân tộc.

Di tích Bến phà Long Đại được công nhận di tích lịch sử theo Quyết định số 236/VH-QĐ, ngày 12/12/1986, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin.

Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg, xếp hạng di tích Bến phà Long Đại là di tích Quốc gia đặc biệt.

 

Nhân dân Long Đại (Hiền Ninh) san lấp hố bom thông đường (Ảnh: Tư liệu)

Cầu phao Long Đại trên tuyến đường Trường Sơn năm 1972 (Ảnh: Tư liệu)

Cầu Long Đại ngày nay (Ảnh; Thành Vương - Đức Thành)

 

Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn - bờ Bắc Bến phà Long Đại (Ảnh: Thành Vương)

 

Bia tưởng niệm bến phà Long Đại  (Ảnh: Internet)

[1] “Cán Xoong” là từ quân đội Mỹ dùng để gọi vùng đất từ phía Nam Vĩ tuyến 20 đến Bắc Vĩ tuyến 17 (từ Thanh Hóa đến Quảng Trị), là nơi không quân Mỹ tập trung đánh phá (dịch từ tiếng Anh là Pandhandle).

[2] Đây là đơn vị được Bộ Tổng tham mưu đưa vào phối thuộc cho Quân khu IV từ đầu năm 1967, để đảm bảo các bến trên đường 1A và đường 15, từ sông Gianh vào Vĩnh Linh.

[3] Lịch sử Lữ đoàn 683 (1966 - 2012), Nxb. Quân đội Nhân dân, tr. 42-43.

[4] Trần Văn Chường (2015), “Phà Long Đại - Một địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc”, Quảng Ninh 25 năm một chặng đường phát triển, tr. 144.