- Tên gọi di sản: Lễ hội bài chòi
- Loại hình di sản: Lễ hội truyền thống
- Địa điểm phân bố di sản: Xã Tân Ninh, Võ Ninh, Vĩnh Ninh và thị trấn Quán Hàu
- Chủ thể di sản: Cộng đồng làng xã
- Ghi danh Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 07/12/2017.
Ngày 07/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO, di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” đã chính thức được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Quảng Bình vinh dự và tự hào cùng với 09 tỉnh, thành phố miền Trung là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đồng sở hữu một di sản phi vật thể mang tầm nhân loại, một di sản giàu giá trị về âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. “Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng thôn, đáp ứng giải trí cũng như bối cảnh xã hội hoá và thưởng thức nghệ thuật. Các câu chuyện trong Bài Chòi bao gồm các bài học về đạo đức, từ bi, tình yêu làng xã, và các cộng đồng liên quan, di sản cung cấp một nền tảng thẩm mỹ để thể hiện cảm xúc, kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống của họ”[1].
Quảng Ninh là một trong sáu huyện, thị xã và thành phố (huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn) của tỉnh Quảng Bình có sinh hoạt bài chòi trong cộng đồng làng xã từ lâu đời. Ở Quảng Ninh, trò chơi bài chòi hiện vẫn còn được duy trì ở một số nơi như làng Lệ Kỳ (Vĩnh Ninh), làng Quảng Xá (Tân Ninh), thôn Thượng (Võ Ninh), Lương Yến (Lương Ninh) và thị trấn Quán Hàu,…
Bài chòi có hai hình thức là hội chơi và trình diễn bài chòi. Bài chòi ở Quảng Ninh là hội vui chơi trong những ngày tết, họ không coi trọng yếu tố trình diễn sân khấu, mà chỉ đơn thuần là một thú vui mang đậm nét truyền thống văn hóa, cố kết cộng đồng làng xã, mọi người không phân biệt giàu nghèo, trên dưới, mà ai ai cũng có thể tham gia. Điều này tạo nên sự khác biệt so với hội bài chỏi ở các tỉnh Nam Trung bộ nặng về sân khấu hóa.
Tên gọi bài chòi bắt nguồn từ không gian chơi trên các chòi, sử dụng bộ bài “tới”. Hội bài chòi thường được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán, ở những nơi công cộng, là trung tâm của cộng đồng như sân đình, sân chợ, những nơi có khoảng không gian rộng, bằng phẳng, thuận tiện cho việc dựng chòi và đông đảo nhân dân tham gia và cổ vũ.
Chòi chơi gồm 11 cái, có chu vi vuông, làm bằng các thanh gỗ hoặc tre, cao chừng mét rưỡi, mái lợp bằng lá dừa, cỏ tranh, có sàn để ngồi, có thang để người chơi lên xuống, phía trước treo một chiếc mõ tre dùng để báo hiệu khi “tới”. Chòi được trang trí cờ hoa, câu đối và lồng đèn,... và bảng ghi tên chòi theo thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Vì thế, ngày Tết, dự hội bài chòi, người tuổi nào nếu gặp đúng cái chòi tuổi mình được xem là điều may mắn. Các chòi được bố trí theo hình chữ nhật mỗi bên 5 chòi, hoặc hình vuông, hình o val; chòi trung tâm được bố trí chính giữa, là nơi ngồi của anh hiệu giữ vai trò chỉ huy, ngoài ra còn bộ phận nhạc công, người phục vụ,…
Bài chòi sử dụng bộ bài tới để chơi, có 30 con, thuộc ba pho là pho Văn, pho Vạn, pho Sách, mỗi pho có 9 con bài và một con bài Yêu (Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Tuyết). Mỗi quân bài được dán lên một chiếc thẻ tre to bản, có tay cầm. Khi chơi, sử dụng 2 bộ bài giống nhau, 1 bộ phát cho các người chơi, 1 bộ để trên bàn Ban tổ chức do anh Hiệu sử dụng để hô bài.
Khi chơi, người chơi ngồi trong các chòi, có thể tham gia một mình hoặc cả nhóm nhiều người cùng chơi, cổ vũ động viên. Nhân vật đảm nhận chức năng quản trò gọi là “Anh hiệu”, là nhân vật trung tâm của cuộc chơi. Anh Hiệu thường được chọn là người có tài ca hát, biết nhiều về các điệu hò vè, nhiều thơ ca, có tài ứng khẩu, có điệu múa may khéo léo tạo ra không khí vui vẻ, trào lộng để điều khiển hội bài chòi. Cuộc chơi bắt đầu khi tiếng trống hiệu vang lên, dàn nhạc gồm kèn, trống, đàn nhị cử một bản hòa tấu phụ họa.
Bắt đầu cuộc chơi, anh Hiệu cử một người giúp việc “chạy cờ”, chia 30 quân bài cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con. Anh Hiệu xướng một câu hò vào cuộc, rồi rút một quân bài của bộ bài thứ hai được đặt trong một cái ống tre cao, xem tên quân bài và hò lên. Mỗi khi anh Hiệu rút ra một quân bài thì hò hoặc hát một câu ứng với nội dung ám chỉ tên con bài, để người chơi đoán, tạo không khí phấn khích, hồi hộp. “Ra đi mạ có dặn rồi/ Khi mô em khóc thì đưa qua bác bôồng (bồng)!” (là con Bồng); hay “Trách duyên trách số trách phận của mình/ Răng không thành đôi bạn, chao ôi cái số chi mình mà xác xơ!” (là con Xơ)… Người chơi, nếu gặp được lá bài đúng nghề, đúng thành phần mình... thì xem là may mắn ngày Xuân. Về dự hội bài chòi làng Quảng Xá, ngoài vui chơi, chúng ta còn được thưởng thức các điệu hò qua các giọng ca của ngôi làng nổi tiếng có truyền thống ca hát này.
Khi anh Hiệu hò lên, chòi nào có con bài trùng tên thì gõ ba tiếng mõ, người chạy cờ sẽ mang đến một lá cờ xéo và thu con bài đó lại. Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi chòi nào có được 3 lá cờ xéo (màu đỏ) trước tiên, đánh một hồi mõ dài rồi hô “tới”, báo hiệu đã thắng, và kết thúc một ván chơi trong tiếng reo hò và nhạc rộn ràng, anh Hiệu trổ tài ca hát, nói lối chúc mừng. Người chạy cờ đội mâm, trên có phần thưởng, đến dâng lên cho chòi thắng cuộc. Kết thúc một hội chơi có 8 ván, chòi thắng cuộc đổi ba lá cờ xéo lấy 1 lá cờ vuông (màu vàng). Chòi nào có ba lá cờ vuông liên tục thì được thưởng một phần thưởng đặc biệt. Ở hội bài chòi làng Thượng, một hội chơi có 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 3 quân bài. Kết thúc mỗi ván, nếu chòi nào ăn đủ cả ba cặp quân bài trước thì hô “tới…tới….tới” và được tặng cờ, thưởng tiền. Điều này tạo nên sự độc đáo của hội bài chòi làng Thượng.
Giá trị đặc sắc của bài chòi được thể hiện qua các trình diễn hò, hát dân gian. Tham gia hội bài chòi, “công chúng được thưởng thức và có cơ hội hiểu biết về văn học dân gian, chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Các tích trò, câu truyện trong bài chòi là những bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc. Nội dung bi hài của bài chòi phản ánh nhân tình thế thái và phê phán thói hư tật xấu, khiến người xem vui cười sảng khoái mà suy ngẫm”[2].
Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được tổ chức vào dịp vui Xuân chơi Tết hàng năm. Trong quá trình duy trì tổ chức từ trước đến nay, hội bài chòi ở huyện Quảng Ninh trải qua nhiều thăng trầm, trong một thời gian dài bị dán đoạn do chiến tranh, địch họa, dẫn đến nguy cơ ngày càng mai một. Mặt khác, do hội bài chòi có những đặc trưng gắn với diễn xướng dân gian, nên hiện nay chỉ được lưu truyền qua nghệ nhân bằng hình thức truyền miệng. Những thế hệ nghệ nhân hát bài chòi cổ, được coi là “di sản sống” ngày càng ít do tuổi cao, sức yếu, đặc biệt số người làm anh hiệu có khả năng giỏi ứng biến, linh hoạt ngày càng hiếm. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã ngày càng biến đổi, thu hẹp, đã ảnh hưởng đến việc khôi phục, phát triển hội bài chòi.
Trong bối cảnh đó, huyện Quảng Ninh may mắn và tự hào có hai xã Tân Ninh và Võ Ninh đã và đang duy trì và tổ chức tương đối liên tục hội bài chòi vào dịp lễ Tết, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các làng quê tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội ở địa phương. “Vui Xuân chơi hội bài chòi. Đón mừng năm mới người người thi đua”, là dịp những câu hò, câu vè của quê hương, đất nước lại được dịp vang lên.
Trong những năm trở lại đây, chính sách bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống đã góp phần phục hồi sinh hoạt bài chòi ở các thôn, xã Quảng Ninh. Đặc biệt là sau khi hội bài chòi được ghi danh vào danh mục di sản thế giới, hội bài chòi ngày càng được chính quyền địa phương chú trọng hơn trong công tác phục hồi, bảo tồn, cùng với vai trò chủ thể và trách nhiệm của cộng đồng. Việc ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy di sản bài chòi ở Quảng Ninh. Hơn thế, “Nhận thức rõ hơn nữa tầm quan trọng của những sáng tạo mang đặc trưng của từng địa phương và phong cách của từng vùng, tạo thêm động lực để tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản trong đời sống xã hội, đưa nghệ thuật bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo thêm sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam”[3].
Liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ bài chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ II, tại thị trấn Quán Hàu, ngày 5/10/2020 (Ảnh: Internet)
Hội bài chòi đầu Xuân thôn Thượng xã Võ Ninh (Ảnh: Tư liệu)
Hội bài chòi đầu Xuân 2019, ở thị trấn Quán Hàu (Ảnh: Tư liệu)
Thị trấn Quán Hàu tham gia liên hoan các tổ, nhóm, câu lạc bộ bài chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ II, Quán Hàu, ngày 5/10/2020 (Ảnh: Internet)
[1] UNESCO, Quyết Định 12.Com 11.B.35, công nhận Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
[2] Bài phát biểu của Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bình Định, ngày 05/5/2018.
[3] Bài phát biểu của Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bình Định, ngày 05/5/2018.