Với việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ…, huyện Quảng Ninh kỳ vọng chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của địa phương. 

Được hành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy hải sản Vương Đoàn, xã Hải Ninh (Gọi tắt là HTX Vương Đoàn) trở thành điểm thu mua có uy tín các loại hải sản của địa phương. Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX cho biết: “Hải Ninh vốn sở hữu nguồn hải sản phong phú, tươi ngon nhưng vì là nguồn thực phẩm tươi sống nên khó tiêu thụ dài ngày. Nhằm bao tiêu sản phẩm cho bà con, HTX đã đầu tư máy móc, thu mua hải sản của ngư dân và sấy khô để cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm hải sản khô của HTX Vương Đoàn được nhiều người tiêu dùng quen biết tin tưởng lựa chọn”. 

HTX Vương Đoàn sở hữu nhiều sản phẩm Ocop

Sau khi tham gia chương trình OCOP, HTX Vương Đoàn đã có điều kiện tham dự hội nghị kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Trung-Tây Nguyên; hội chợ các sản phẩm OCOP tiêu biểu vv…, qua đó, giúp kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm và học hỏi các điều kiện cải tiến bao bì, nhãn mác. Đến nay, bình quân mỗi năm HTX Vương Đoàn tiêu thụ được 50-70 tấn hải sản khô các loại, trong đó có hơn 20 tấn cá bờm trắng ra thị trường các tỉnh phía Bắc, các nước Lào, Nhật Bản, Thái Lan... Với thị trường tiêu thụ ổn định và ngày càng mở rộng, bình quân mỗi tháng, HTX thu về nguồn lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương và hàng chục lao động thời vụ.

Đến nay, trong tổng số 32 sản phẩm của huyện Quảng Ninh được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (gồm 4 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh và 28 sản phẩm 3 sao cấp huyện), HTX Vương Đoàn sở hữu 3 sản phẩm, trong đó có sản phẩm cá bờm trắng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và đang tiếp tục xây dựng, phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao. 

Là một trong số các chuỗi liên kết nông sản được ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, chuỗi sản xuất và tiêu thụ gạo Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu. Ông Đỗ Mười, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết “Để xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm gạo của địa phương, xã Vĩnh Ninh đã chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Trung (Gọi tắt là HTX Vĩnh Trung) làm trung tâm, chịu trách nhiệm sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm. Chuỗi giá trị gạo Vĩnh Tuy có quy mô thực hiện trên 60 ha, sản lượng tiêu thụ thông qua ký kết là 210 tấn/năm. Cùng với yếu tố thổ nhưỡng đặc biệt, việc sử dụng giống lúa và phương thức canh tác truyền thống đã giữ vững thương hiệu. Trên cơ sở sự hỗ trợ của huyện và các đơn vị tư vấn, HTX Vĩnh Trung đã tiến hành xây dựng đề án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và quy hoạch vùng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao”.

 Ông Trần Xuân Tình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết “Những năm qua, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; bố trí cán bộ phụ trách triển khai thực hiện chương trình OCOP từ huyện đến các xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm, tổ chức tập huấn trong thực hiện đề án. Từ các chuỗi giá trị được xác định ưu tiên, huyện Quảng Ninh thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh theo chương trình liên kết sản xuất, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về giống, đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, có nhiều chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân”.

Nhiều sản phẩm Ocop tham gia phiên chợ nông sản Xuân Ất Tỵ năm 2025

Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình OCOP tại Quảng Ninh cho thấy vẫn còn một số khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Kèm theo đó, các loại nông sản chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng; mẫu mã chưa phong phú; các hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, số lượng HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu là quy mô nhỏ.

Hằng năm, huyện Quảng Ninh thực hiện tốt các chuỗi sản phẩm đã được phê duyệt; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các chuỗi sản phẩm mới trong xây dựng các sản phẩm OCOP. Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, huyện Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP để mỗi người dân, chủ thể sản xuất hiểu rõ hơn chu trình OCOP, tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm cũng như các chính sách hỗ trợ khi tham gia. Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chương trình OCOP theo hướng đi sâu nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại mạnh mẽ; việc phát triển sản phẩm phải gắn với tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện đề án ngay tại địa phương.

 Bà Trương Thị Lược, Giám đốc HTX Bắc Tiến, xã Hiền Ninh chia sẻ “HTX đã chủ động được nguyên liệu, hoàn chỉnh quy trình sản xuất và kết nối ổn định 2 chiều với các HTX khác trong cả nước để bao tiêu sản phẩm cung cấp chủ yếu cho thị trường các tỉnh, thành phố như Điện Biên, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế… Nhằm nâng cao chất lượng, tiến tới nâng hạng trong thực hiện chương trình OCOP, HTX Bắc Tiến mong muốn có sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương trong hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ sản phẩm”. 

Thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng đã có để hướng dẫn, hỗ trợ, nâng cấp, hoàn thiện nhằm tiêu chuẩn hóa sản phẩm; đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn vốn mục tiêu, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể sản xuất tiếp cận nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất chuỗi giá trị nông sản, xây dựng các sản phẩm OCOP, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.

Ng. Khang