• Tên gọi: Lễ hội cầu ngư
  • Loại hình di sản: Lễ hội truyền thống
  • Địa điểm phân bố di sản: Xã Hải Ninh
  • Chủ thể di sản: Cộng đồng làng xã ven biển
  • Danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia, ngày 30/10/2018.

Lễ hội Cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian tiêu biểu của ngư dân miền biển, ngày càng được củng cố trong đời sống đương đại, trở thành lễ hội truyền thống của huyện Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Lễ hội cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá voi phổ biến ở các làng biển huyện Quảng Ninh nói riêng và miền Trung nói chung được ghi nhận có nguồn gốc lâu đời. Từ xa xưa, cư dân ven biển đã coi cá Ông là vị thần hộ mệnh, cứu giúp người dân trên biển mỗi khi gặp bão tố, sóng gió. Cá Ông được liệt vào phúc thần hàng đầu trong hệ thống thần linh biển của tín ngưỡng thờ thần biển ở miền Trung. Sách Đại Nam Nhất thống chí thời Nguyễn miêu tả về cá Voi “tính hiền lành, hay cứu người, hoặc thấy người bị loài cá dữ làm khốn quẫn, nó cũng giải cứu” và được tôn kính gọi là Đức Ngư, Nhân Ngư. Triều đình Nguyễn đã ban sắc phong cho cá Ông hiệu là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần, ban hành điển chế về cấp lệ táng khi cá Ông lụy (chết).

Cư dân làng biển quan niệm, cá Ông “lụy” (chết và dạt vào) vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Khi có cá voi dạt vào, dân làng cùng nhau làm đám tang cúng tế long trọng, liệm bằng vải đỏ, chôn cất gần làng. Người đầu tiên phát hiện được xem như “trưởng nam”, có vinh dự hương khói như chính cha mẹ mình. Sau ba năm sẽ làm lễ cải táng, rồi đem cốt về nhập lăng, quanh năm thờ cúng.

Gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, hàng năm một số làng biển ở huyện Quảng Ninh đã tổ chức lễ hội cầu ngư trang nghiêm và quy mô, vào dịp lễ Tết đầu năm hoặc bắt đầu một vụ mùa đánh bắt mới[1]. Lễ hội cầu ngư được tổ chức với nhiều mục đích, gắn với ý nghĩa cầu mùa, cầu an, ngày càng trở thành một sinh hoạt lễ hội cộng đồng quan trọng, không chỉ đối với cư dân miền biển mà cả với nhân dân toàn huyện. Trong đó, mang nhiều giá trị tiêu biểu và có vai trò trong đời sống văn hóa cộng đồng là lễ hội cầu ngư ở xã Hải Ninh.

Xã Hải Ninh nằm về phía Đông Nam của huyện Quảng Ninh, có đường bờ biển dài trên 25 km, có đời sống kinh tế chủ yếu là hoạt động đánh bắt, khai thác và chế biến hải sản. Cũng như nhiều làng chài ven biển khác trong tỉnh, ngư dân Hải Ninh có tục thờ cá Voi. Theo truyền thuyết, cá Voi vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Ngư dân tin và thờ cá Voi như một vị thần hộ mệnh, được gọi một cách tôn kính, lễ cúng được tổ chức trang nghiêm, văn tế không bi lụy mà ca ngợi công ơn cá thần. Lễ hội cầu ngư là sự thể hiện niềm thành kính đối với vị thần biển cả luôn mang lại may mắn, an lành cho họ mỗi khi gặp phong ba, bão tố.

Một số người cao tuổi thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh kể lại: Tương truyền, hàng trăm năm trước, ở vùng đất Hải Ninh, ngư dân đã bắt gặp xác cá Voi chết trôi dạt vào bờ. Ngư dân đã làm lễ mai táng, xây dựng lăng để thờ cúng và hằng năm tổ chức lễ hội cúng cá voi. Theo thời gian, tục lệ này tuy có mai một dần và lăng thờ cá Voi cũng không còn nguyên vẹn, chỉ còn dấu tích là một vài hòn đá tảng. Nhưng người dân vẫn tôn kính gọi là lăng Ông, tổ chức lễ cúng cá Voi thành lễ hội cầu ngư. Năm 2017, xã Hải Ninh đầu tư kinh phí xây dựng trên nền dấu tích cũ tại thôn Cừa Thôn, một đền cầu ngư trang nghiêm với nhiều họa tiết khá tinh xảo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển.

Lễ hội cầu ngư tại xã Hải Ninh trước đây được tổ chức vào dịp rằm tháng 6 (âm lịch), với nghi thức cúng tế nghiêm trang. Sau cách mạng tháng Tám, lễ được tổ chức vào dịp 2/9 (dương lịch) chào mừng ngày Quốc khánh - Tết độc lập[2]. Hiện nay, lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa phi vật thể không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần hàng năm của người dân miền biển Hải Ninh, vừa là dịp ôn lại lịch sử truyền thống quê hương, vừa góp phần lưu truyền những giá trị văn hóa lịch sử cho con cháu. Trong lễ hội, mọi người, mọi nhà đều có những đóng góp công sức vào việc dựng trại, trang hoàng sân lễ cho lễ hội thêm phần đặc sắc.

Trước ngày tổ chức lễ hội cầu ngư, người dân địa phương đã đổ về cửa biển Cừa Thôn để được hòa mình vào không khí chuẩn bị phấn khởi và thành kính của lễ hội. Phần lễ được tổ chức tối ngày 1/9, với nhiều nghi thức tế lễ độc đáo tại bãi biển, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và các vùng lân cận. Trước lúc vào lễ chánh tế, vị chủ bái cùng các bậc cao niên trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho dân làng biển sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản,… Lễ chánh tế được tổ chức trang nghiêm, văn tế và lễ vật dâng lên các vị thần linh biển, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa, dân làng ấm no, hạnh phúc. Ở các gia đình ngư dân cũng bày biện đồ lễ cúng để cầu lộc, cầu an, cầu một năm tôm cá đầy thuyền, mua may, bán đắt.

Phần hội được tổ chức ngày 2/9 với nhiều hoạt động biểu diễn tái hiện lại các sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển, những hoạt động nghề biển trên cạn, dưới nước, trong đó múa bông, chèo cạn và bơi trải là các hoạt động không thể thiếu.

Múa bông, chèo cạn là hình thức chèo thuyền được cách điệu hóa thành trình diễn, là hình thức diễn xướng vừa hát, vừa múa mái chèo của nữ giới và múa bông (múa đèn) của nam giới. Đội chèo cạn có trên 20 cô gái và hai người “cầm chịch” mặc áo quần dài, thắt lưng điều, nữ chít khăn màu nguyệt bạch, chân đất. Các cô gái chèo cạn mặc áo dài màu mỡ gà hoặc màu hoa lý, quần trắng, đầu búi tóc có trâm đồng có đính bông hoa nhài, tay cầm một mái chèo gỗ, động tác chèo nhịp nhàng theo nhịp hò khoan. Tiếp sau đó là màn biểu diễn múa bông của những thanh niên cường tráng. Các đội viên mặc đồng phục, áo màu hồng hoặc đỏ, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn, hai tay cầm đôi đèn lồng. Người điều khiển mặc võ phục, dẫn đầu đội biểu diễn thực hiện các bài múa sắp xếp theo các đội hình biến hóa rất đẹp.

Hội bơi trải là một phần hoạt động quan trọng của lễ hội cầu ngư ở Hải Ninh. Từ xưa, sách Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An viết “năm nào hạn hán, nhân dân bơi trải liền được mùa”, cho thấy từ xưa, ngư dân đã tổ chức hội đua trải để cầu cho mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang. Đặc biệt, hội bơi trải trong lễ cầu ngư của người dân Hải Ninh, ngoài mục đích vui hội, còn phản ánh ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thông qua với nghi thức “buông phao”, như một hình thức tế lễ mang ý nghĩa “cầu siêu” cho những người xấu số, vong hồn vẫn lênh đênh trên biển.

Lễ hội cầu ngư là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống tiêu biểu của người dân Hải Ninh, phản ánh những giá trị tốt đẹp nhân văn, phong tục tập quán chung của cộng đồng, phản ánh tín ngưỡng dân gian của một bộ phận ngư dân. Thông qua lễ hội nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa các ngư dân làng chài ven biển. Lễ hội cầu ngư bày tỏ khát vọng hướng tới bình yên, ấm no trong cuộc sống của ngư dân Hải Ninh, những con người luôn phải đối mặt với những bất trắc trong cuộc mưu sinh khi lênh đênh trên biển cả bao la. Trong tâm nguyện của họ luôn cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cá tôm bội thu, qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Ngày 30/10/2018, lễ hội cầu Ngư của xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, cùng với các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia, theo Quyết định số 4068/QĐ-BVHTTDL.

Trong định hướng bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, lễ hội cầu ngư xã Hải Ninh cùng với hệ thống các lễ hội truyền thống tiêu biểu và phong phú của huyện Quảng Ninh như: Lễ hội tưởng nhớ các bậc khai canh làng Quảng Xá xã Tân Ninh, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng nghề nghiệp như hội nơm cá Bàu Rồng Văn La xã Lương Ninh, lễ hội đua thuyền truyền thống ở xã Duy Ninh, Võ Ninh, Gia Ninh, hội làng Văn La xã Lương Ninh,… và đặc biệt là lễ hội bài chòi thôn Thượng xã Võ Ninh, thôn Quảng Xá xã Tân Ninh, thị trấn Quán Hàu,… vừa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ là những thành tố chính tạo nên những sản phẩm du lịch lễ hội đặc sắc, góp phần quảng bá vẻ đẹp văn hóa của vùng đất và con người Quảng Ninh, thu hút du khách khám phá và trải nghiệm.

   

Sân đền cầu ngư Hải Ninh được xây dựng mới trang nghiêm (Ảnh: Hà Ngọc Khang)

 

Cổng đền cầu ngư Hải Ninh được xây dựng mới trang nghiêm (Ảnh: Hà Ngọc Khang)

 

Du khách tham dự Lễ hội Cầu Ngư Hải Ninh (Ảnh: Hà Ngọc Khang)

 [1] Ở trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian tổ chức lễ hội cầu như có sự khác nhau: Có làng tổ chức vào ngày Ông lụy, có làng tổ chức ngày vua ban sắc phong, có làng tổ chức vào dịp lễ tết đầu năm, có làng tổ chức vào dịp mở đầu của vụ mùa đánh bắt mới (đầu vụ cá Nam vào tháng 4 âm lịch).

[2] Lễ hội Cầu ngư ở Phú Bình (Quảng Ninh), tổ chức chiều 14/1âm lịch, ngày 15 là ngày chính lễ, tại đình làng. Phần hội có tổ chức đua thuyền trên sông Nhật Lệ.