• Tên gọi: Di tích danh thắng núi Thần Đinh
  • Loại hình: Lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
  • Địa điểm: Xã Trường Xuân
  • Giá trị tiêu biểu: Có vẻ đẹp được sử sách ca ngợi là “Sơn thủy hữu tình”, “Sơn chí thủy giao”. Trên núi có cổ tự Kim Phong - chùa Thần Đinh (tục gọi chùa Non); có nhiều giá trị tiềm năng phát triển du lịch danh thắng - tâm linh.
  • Xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, ngày 18/8/2004.

Di tích danh thắng núi Thần Đinh (núi Chùa Non) thuộc thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Núi Thần Đinh cao khoảng 342m so với mực nước biển. Từ đồi Hải Đăng hay cầu Dài (Đồng Hới) nhìn về Nam, theo sông Lũy, cuối dãy Đầu Mâu là núi Thần Đinh sừng sững, bởi núi tận cùng cao, nước giao hòa quanh năm.

Trong cuốn Ô châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An nhuận sắc tập thành năm 1555, đã mô tả về ngọn núi này như sau: “Núi Thần Đinh tại xứ Rào Đá, huyện Khang Lộc. Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành, đã sai lực sĩ dùng gậy hèo đánh tượng trưng vào chân núi này, gọi tên là núi Bất Nghĩa. Bởi vì tất cả các núi đều hướng về phía Tây riêng núi này quay lưng lại”[1].

Tham quan di tích núi Thần Đinh, du khách có thể đi bằng đường thủy, từ thành phố Đồng Hới ngược dòng sông Nhật Lệ, lên Long Đại, rẽ sông Rào Đá; đi đường bộ theo tuyến Hồ Chí Minh - nhánh Đông Trường Sơn, đến cầu Long Đại khoảng 2 km, tới địa phận xã Xuân Ninh, rẽ về phía Tây khoảng 4km, hoặc đến địa phận xã An Ninh, rẽ lên phía Tây, đi khoảng 5 km sẽ đến núi Thần Đinh. Từ chân núi, du khách phải vượt qua hơn 1.200 bậc đá để lên đến đỉnh núi thưởng ngoạn vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên và dâng hương cửa Phật ở chùa cổ Kim Phong trên đỉnh Thần Đinh.

Núi Thần Đinh là thắng cảnh tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Núi có 3 đỉnh là đỉnh Kỳ Lân phía Đông, đỉnh Thần Đinh phía Tây Bắc, đỉnh Long Lão cao nhất ở Tây Nam. Ba đỉnh chầu lại tạo thành thung lũng trên núi, nối kết tạo hình yên ngựa. Giữa muôn trùng núi đá là khu rừng nguyên sinh còn giữ được những vẻ đẹp hoang sơ với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Sự kiến tạo địa chất đã hình thành nên trong lòng núi nhiều hang động với thạch nhũ có hình ảnh đẹp lung linh, huyền ảo. Theo một số tài liệu ghi lại, các bậc đế vương như Lê Thánh Tông, vua Minh Mạng đã từng đến nơi đây thưởng ngoạn.

Núi Thần Đinh nằm trong vùng đất thiêng “Đầu Mâu đa Tiên, Thần Đinh đa Phật”. Trên núi có Kim Phong cổ tự dựa lưng vào núi, mặt hướng về Bắc, nhìn ra cửa Nhật Lệ; bên tả có tăng ba gian và tháp mộ cổ, bên hữu có miếu Thần Đinh sơn thần. Sử sách và văn bia ghi lại, Kim Phong cổ tự, dân gian gọi là Chùa Non được dựng bằng tranh tre từ thời Hậu Lê và được xây dựng lại bằng gạch dưới thời Nguyễn (1829).

Dựa vào văn bia ở chùa, cho biết từ trước thế kỷ XVII, Hoàng Phủ Chân Quân, một vị tu sĩ đắc đạo đã ở chùa, tu luyện và viết binh thư. Đầu thế kỷ XVII (1625), khi Đào Duy Từ vào Nam, đã đến núi Thần Đinh và được Hoàng Phủ Chân Quân truyền cho binh thư. Đào Duy Từ là người được chúa Nguyễn chọn làm quân sư và xây dựng hệ thống lũy phòng thủ. Năm 1630, lũy Trường Dục được xây dựng, bắt đầu từ Thần Đinh đến Hạc Hải. Đây là tuyến lũy kế thừa lũy cũ Trấn Nhân do Điện tiền Đô kiểm điểm Lương Quân công Trương Công Dã (Giai) khởi dựng từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, khi vào Nam cùng Nguyễn Hoàng (1525-1613). Sau đó tiếp tục xây dựng lũy Đầu Mâu đến Nhật Lệ, là công trình mà chúa Nguyễn trấn giữ để dựng nghiệp phía Nam.

Văn bia được lập vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) chép về chùa Kim Phong, cho biết: Niên hiệu Chính Hòa đời Hậu Lê thứ 21 (1697), chùa có 8 gian, do sư An Khả trụ trì, năm 1701 cho lập ruộng tam bảo để mở mang chùa. Nhưng thời gian sau chùa bị hỏa hoạn thiêu rụi, các sư sãi bỏ đi nơi khác. Năm 1807, Hội thiện chùa Cảnh Tiên (Dinh Mười) lên tôn tạo lại nhưng không thành. Năm 1825, đại sư Trần Gia Hội, quê ở Đức Phổ (Đức Ninh, Đồng Hới) từ chùa Thiên Mụ (Huế) ra đây dựng chùa tranh trên núi và tu luyện.

Năm 1829, hưu quan Lê Văn Trúc cùng cựu xã trưởng Cổ Hiền và nhiều thiện nam, tín nữ quyên góp công xây dựng chùa, miếu trên núi bằng gạch ngói. Ngoài ra, còn xếp hơn 1.200 bậc đá từ chân núi lên đến chùa[2]. Đồng thời, cho xây dựng nhà tăng cho các sư tăng ở chân núi ở thôn Rào Đá, sau gọi là nhà thiền sư; cho đúc chuông, rước 11 pho tượng lên núi.

Những di vật quý giá nhất của chùa Kim Phong hiện vẫn còn lưu giữ, đó là quả đại hồng chung và các văn bản Hán Nôm ghi chép về lịch sử chùa[3]. Đại hồng chung hiện được lưu giữ tại chùa Phổ Minh (thành phố Đồng Hới), được chú đúc năm Thành Thái thứ 9 [1897], nặng 155 cân, trên thân chuông có khắc bốn đại tự “Thần Đinh tự chung”.

Trên núi có vườn chùa và vườn cây thuốc, hoa quả, được người xưa gia công xây kè thành nhiều bậc thang lên đến gần giếng Tiên và cửa động Thần Đinh, có kè đá cao hơn 2m. Các kè đá hiện còn nguyên nhưng bị che phủ bởi cây cối, dây leo chằng chịt. Núi Thần Đinh còn chứa trong mình một hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loại gỗ quý nư Táu, Huỵnh, Gõ, Lim,... cùng nhiều loài động vật đang sinh sống như khỉ, vượn, kỳ đà,... Tiếng chim kêu, vượn hú tạo nên những âm thanh của núi rừng, chen lẫn tiếng rì rào của cây cỏ gợi cho ta cảm giác như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Đặc biệt, chiêm ngưỡng rừng cây thiên tuế mọc trên vách đá, trầm tư tỏa một màu xanh riêng biệt.

Trên núi ở động Thần Đinh có chùa Hang ở trong lòng núi. Trong đó có động chuông, động trống, có các nhũ đá, mầm đá, thánh cung Phật, có nhiều nhũ đá kỳ hình dị tướng hấp dẫn du khách khám phá. Cạnh chùa Hang có giếng Tiên, nước trong vắt chảy từ trong hốc đá, quanh năm không cạn. Du khách sau khi chiêm bái chùa, miếu, lấy nước thánh giếng Tiên, vào động Thần Đinh chiêm ngưỡng quần thể các vị Phật do mầm đá tạo ra và tán lọng do nhũ đá hình thành nên bên vách. Những cảnh sắc và không khí càng tôn thêm lòng thành kín và hướng thiện của du khách.

Đứng ở bờ Bắc sông Long Đại nhìn lên, mặt trên núi Thần Đinh có dáng hình Phật Bà đang nằm gối trên đỉnh Kỳ Lân phía Đông, chân duỗi vào Lồng Đèn (Rào Trù) phía Tây. Trên mặt núi, từ xa nhìn lên thấy dáng hình Phật Bà đang nằm ngắm trời đất, quanh năm mây vờn như tấm voan phủ trên Phật Bà.

Đứng ở đỉnh núi, phóng tầm mắt về phía cửa biển Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, một cảnh trí non sông, gấm vóc sẽ dần hiện ra. Con sông Nhật Lệ, Kiến Giang, Long Đại như 3 con rồng uốn khúc, lượn quanh hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh hòa vào trong màu xanh của cây cỏ, ruộng đồng, ánh nước từ dòng Cẩm Ly gợi sáng như tấm gương phản chiếu,... tất cả tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo.

Cùng với sự kỹ vĩ và huyền bí, còn có nhiều câu chuyện truyền thuyết dân gian gắn với núi Thần Đinh, như giai thoại vua Càn Long tặng chuông cho chùa Kim Phong[4]; Chưởng dinh đạo Lưu Đồn (Dinh Mười) Nguyễn Hữu Thuyên khi lên núi đã gặp Phật giáng thế hẹn gặp ở Bích Động[5],...

Những giá trị được tạo nên bởi vẻ đẹp tự nhiên gắn các giá trị lịch sử, trải qua hàng trăm năm với những câu chuyện linh thiêng, càng khiến cho di tích danh thắng núi Thần Đinh càng thêm cuốn hút. Núi Thần Đinh là điểm đến du lịch sinh thái - tâm linh hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá vùng đất Quảng Bình. Ngày 18/8/2004, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ký Quyết định số 2541/QĐ-UBND xếp hạng khu di tích danh thắng núi Thần Đinh là di tích lịch sử cấp tỉnh.
 

 Cầu Long Đại - Núi Thần Đinh (Ảnh: Thành Vương)

Sông Rào Đá - Núi Thần Đinh (Ảnh: Internet)

 Du khách dự hội đầu xuân dưới chân núi Thần Đinh  (Ảnh: Đình Hướng)

Đường đi lên đỉnh núi Thần Đinh (Ảnh: Internet)

 Ngôi miếu cổ ở chùa Non núi Thần Đinh (Ảnh: Internet)

Giếng nước Tiên trên núi Thần Đinh  (Ảnh: Internet)

[1] Dương Văn An nhuận sắc, tập thành (1961), Ô châu cận lục (Bùi Lương dịch chú), Sài Gòn: Văn hóa Á châu xuất bản.

[2] Sau khi sửa chữa tôn tạo, hiện có khoảng 1000 bậc đá đi lên chùa.

[3] Theo nhà nghiên cứu Vạn Xuân, văn bản Hán Nôm hiện được lưu giữ tại nhà thờ họ Trần (Sư Trần Gia Hội) ở làng Đức Phổ, gồm có 9 trang, ghi chép lại quá trình hình thành, phát triển và những sinh hoạt Phật sự của ngôi cổ tự này từ năm Minh Mạng thứ 11 [1830] đến năm Khải Định thứ 10 [1925], gồm 5 văn bản: Ghi chép về chùa Non trên đỉnh núi Thần Đinh;  Ghi chép về hành trạng của đại sư Trần Gia Hội;  Ghi chép về lễ rước tượng Phật Di Lặc;  Ghi chép về các người góp của trùng tu chùa Thần Đinh; Tờ bẩm của vị chủ sự chùa gửi quan bản xứ xin đề cử người kế tục trông coi chùa sau khi qua đời.

[4] Hiện nay, ở chùa Phổ Minh (phường Đức Ninh Đông, Tp. Đồng Hới) còn lưu giữ một chuông cổ của chùa Non, đúc năm Thành Thái cửu niên (1896), có khắc đại tự “Thần Đinh tự chung”. Với đại tự và niên hiệu rõ ràng, cho thấy đây là chuông cổ chùa Thần Đinh, không thể là chuông tặng của vua Càn Long (1711-1799) như truyền thuyết.

[5] Sử sách triều Nguyễn chép rằng: “... nhân lúc rỗi việc quan đến chơi chùa này (chùa Kim Phong), thấy một người đầu bạc chống gậy đến, hỏi thì ông già ấy nói: “Được lúc rãnh việc, nói chuyện chơi, còn ở Bích Động”. Nói xong liền biến mất. Mới biết là Phật, bèn làm bài ký sự bằng quốc âm, được người đời truyền tụng” (QSQ triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr.71).